Điện ảnh Việt gây ấn tượng với những con số “khủng”

Phim truyện Thứ Ba, 05/03/24 9:13 Sáng ĐIỆN ẢNH

Phim “Mai” của Trấn Thành đang giữ vị trí dẫn đầu danh sách phim Việt doanh thu cao nhất lịch sử điện ảnh, phá kỷ lục trước đó của “Nhà bà Nữ” cũng do chính anh làm đạo diễn. Nếu trước đây, giới làm phim chỉ mơ tác phẩm chạm mốc doanh thu 100 – 200 tỉ đồng thì nay giấc mơ có thể đi xa hơn với 700 – 800 tỉ đồng.

Vượt qua phim ngoại

Gần đây, cây bút Liz Shackleton của chuyên trang điện ảnh Deadline.com có bài viết cho rằng Tết Nguyên đán là giai đoạn quan trọng tại các phòng vé ở một số nước châu Á. Tuy nhiên, trong mùa Tết Giáp Thìn, không có nơi nào cạnh tranh gay gắt hơn Việt Nam, nơi mà phim nội địa cạnh tranh cùng phim Nhật Bản, Hollywood trong kỳ nghỉ lễ kéo dài từ ngày 9 đến 15-2. Phim “Mai” do Trấn Thành đạo diễn và phim “Gặp lại chị bầu” của Nhất Trung đạo diễn được nhắc đến như những tác phẩm doanh thu cao nhất nhì mùa Tết, vượt qua nhiều tác phẩm nước ngoài khác ra rạp cùng thời điểm.

“Lịch phát hành dày đặc của các phim phản ánh một thị trường sôi động, chứng kiến sự phục hồi nhanh sau đại dịch COVID-19. Một số người trong giới còn nhận định đây là sự phục hồi nhanh thứ hai ở châu Á sau Ấn Độ” – Liz Shackleton viết. Cây bút này cho rằng dù ngành công nghiệp điện ảnh Việt chỉ mới mở cửa cách đây 10 – 15 năm nhưng doanh thu phòng vé tăng trưởng ổn định, mỗi năm tăng 10% ở thời điểm trước đại dịch, vượt cả Thái Lan (là quốc gia có nền điện ảnh phát triển lâu đời hơn Việt Nam). Năm 2023, doanh thu phòng vé Việt đạt 150 triệu USD (gần 3.700 tỉ đồng), tương đương khoảng 90% trước đại dịch, từ tổng số 1.100 rạp chiếu trên cả nước. Một kết quả khả quan với thị trường non trẻ vào năm 2010 chỉ có 90 rạp chiếu và doanh thu hằng năm dưới 15 triệu USD (gần 370 tỉ đồng).

Phim “Mai” của Trấn Thành đánh dấu cột mốc mới cho thị trường và tạo động lực để các phim sau vượt lên. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Phim “Mai” của Trấn Thành đánh dấu cột mốc mới cho thị trường và tạo động lực để các phim sau vượt lên. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)

Một trong những yếu tố góp phần vào sự tăng trưởng ổn định này nhờ vào việc mở rộng hệ thống rạp. Ngoài hệ thống rạp của các doanh nghiệp Hàn Quốc như CJ CGV, Lotte Cinema thì còn có các hệ thống rạp nội địa như Galaxy Cinema, BHD Star Cineplex và các chuỗi rạp Beta Cinemas và Cinestar, Mega GS cung cấp mức giá “mềm” phục vụ các đối tượng khán giả học sinh, sinh viên, thu nhập không cao. Các nhà chuyên môn nhận định mặc dù thị trường điện ảnh thương mại Việt Nam đang ở giai đoạn khởi đầu, song vẫn nhiều khả năng sẽ chạm cột mốc 200 triệu USD doanh thu phòng vé trong thời gian tới.

Minh chứng là dù khó khăn khách quan về kinh tế nói chung nhưng trong năm 2023, nhiều phim Việt gặt hái doanh thu ấn tượng. Phim “Nhà bà Nữ” với doanh thu lên đến 475 tỉ đồng, phim “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” doanh thu 273 tỉ đồng, phim “Đất rừng phương Nam” doanh thu hơn 140 tỉ đồng, phim “Siêu lừa gặp siêu lầy” doanh thu 122 tỉ đồng, phim “Chị chị em em 2” doanh thu 121 tỉ đồng, phim “Quỷ cẩu” doanh thu 108 tỉ đồng, phim “Người vợ cuối cùng” doanh thu 100 tỉ đồng. Ngoài 6 phim chạm hoặc vượt mốc 100 tỉ đồng kể trên, một số phim khác cũng thu lợi nhuận sau khi hòa vốn, tạo được độ sôi động đáng kể cho thị trường.

Đặc biệt, đầu năm Giáp Thìn, phim “Mai” đã tạo được “sốt vé” với doanh thu hiện tại theo phía nhà sản xuất công bố là 480 tỉ đồng sau 21 ngày ra rạp kể từ 10-2, tương đương 6 triệu vé. Trong khi đó, theo trang Box Office Vietnam, đến trưa 3-3, phim “Mai” thu được hơn 513 tỉ đồng. Phim “Mai” vẫn đang ra rạp và hoàn toàn sẽ đạt con số doanh thu vượt mốc 500 tỉ đồng.

Chưa hết tiềm năng

Nhà phê bình phim Tuấn Nguyễn cho rằng điện ảnh Việt trong năm 2023 gây ấn tượng với nhiều phim gặt hái doanh thu vượt mốc 100 tỉ đồng cùng sự sôi động đầu năm 2024 mang đến nhiều hứa hẹn cho thị trường. “Tôi thấy nhiều người trẻ quan tâm đến phim Việt chiếu Tết, quan tâm đến cả phim nhà nước đặt hàng khai thác đề tài lịch sử, chiến tranh là tín hiệu rất tích cực” – nhà phê bình phim Tuấn Nguyễn bày tỏ.

Sự sôi động của thị trường điện ảnh Việt hiện tại đều đặt ở dòng phim thương mại. Dòng phim nhà nước đặt hàng và phim nghệ thuật doanh thu không đáng kể, không thể so sánh được dù thỉnh thoảng vẫn có những biến động như trường hợp “Đào, phở và piano” hay phim “Đêm tối rực rỡ” lội ngược dòng doanh thu. Để duy trì, hiển nhiên, nhà làm phim phải tiếp tục tạo ra những tác phẩm chất lượng để chinh phục khán giả trẻ, tận dụng tối đa hiệu ứng truyền miệng.

Theo những người trong cuộc trước đây, phim thương mại thường vướng vào nạn “thấy người ta ăn khoai vác mai đi đào”, phim thể loại hoặc đề tài nào ăn khách thì chạy theo sản xuất hàng loạt khiến khán giả “bội thực”. Họ dần dần nhàm chán và tìm kiếm niềm vui với phim nước ngoài dẫn đến những thất bại của phim Việt ngay trên sân nhà. “Hiện nay, các nhà làm phim Việt đã tìm hướng đi mới cho tác phẩm của mình, đề tài phong phú và khán giả cũng hài lòng hơn. Những câu chuyện hay được kể tận tâm, hấp dẫn và đã chinh phục được khán giả” – nhà báo Cát Vũ nhìn nhận.

Phim Việt vừa chiếu đã có rating cao nhất cả nước, bỏ xa loạt bom tấn giờ vàng nhờ màn lột xác của nữ chính

Biên kịch Trần Khánh Hoàng lạc quan: “Cách đây vài năm, nhà làm phim Việt có được phim gặt hái 100 – 200 tỉ đồng thì mơ ước sẽ đến lúc có phim 400 tỉ đồng. Một số người cho rằng đây là giấc mơ xa vời. Thế nhưng, hiện tại chúng ta đã có những phim gần 500 tỉ đồng và lại mơ tiếp đến con số 700 – 800 tỉ đồng. Đây không phải là con số viển vông bởi những năm gần đây, luôn thấy các kỷ lục bị phá, đến từ những phim của Trấn Thành”.

Việc khán giả bắt đầu thích phim nội địa nhiều hơn phim nước ngoài mang đến sự phấn khởi, tín hiệu vui cho thị trường. Nó là động lực để nhà làm phim chú tâm nhiều hơn vào tác phẩm của mình.

Nguồn: Theo Báo Người Lao Động

TIN MỚI: