Những vụ tai nạn tàu ngầm bí ẩn nhất lịch sử thế giới

Trước khi xảy ra vụ tàu ngầm Titan gặp nạn khiến 5 người được cho là  thiệt mạng, trên thế giới từng xảy ra nhiều vụ tai nạn tàu ngầm thương tâm, để lại hậu quả nặng nề. Các cường quốc về tàu ngầm như Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc và cả Argentina đều là nạn nhân cùa các vụ tai nạn bí ẩn này.

 Điều đáng nói, nguyên nhân của các tai nạn này thường khó điều tra và gần như không có lời giải đáp bởi không ai có thể biết chuyện gì xảy ra dưới đáy đại dương vào thời điểm kinh hoàng đó. Hãy cùng chúng tôi điểm lại những vụ tai nạn và mất tích tàu ngầm kỳ lạ nhất Thế giới, đầu tiên là 2 vụ việc bí ẩn của tàu ngầm Mỹ.

Tàu ngầm USS Scorpion của Mỹ

Tàu ngầm hạt nhân USS Scorpion của Mỹ bị đắm bí ẩn, vùi xác dưới Đại Tây Dương (Ảnh: History).

Vào tháng 5/1968, tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Scorpion của Hải quân Mỹ biến mất ở Đại Tây Dương với 99 thủy thủ trên tàu.

Một chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn được triển khai với hàng chục tàu nổi, tàu ngầm, máy bay ở cả 2 bờ Đại Tây Dương.

Đến ngày 29/10/1968, xác tàu được phát hiện cách Azores 643km về phía Tây Nam, ở độ sâu 3.048 mét. Con tàu được cho là đã vỡ làm 3 mảnh, nhưng nguyên nhân khiến tàu bị đắm hiện vẫn chưa được tìm ra.

USS Thresher là tàu ngầm thứ 2 của Mỹ bị gặp sự cố và mất tích (Ảnh: Wikipedia).

Tàu ngầm USS Thresher của Mỹ

Ngày 10/4/1963, tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân Thresher của Hải quân Mỹ bị mất tích với toàn bộ 129 thủy thủ trên tàu.

Hiện vẫn còn rất nhiều bất đồng về nguyên nhân khiến tàu Thresher không thể hoạt động được và bị chìm xuống đáy biển.

Một giả thuyết được nhiều người tin tưởng nhất là sự cố về điện khiến các máy bơm làm mát của lò phản ứng ngừng hoạt động.

Tàu ngầm K-129 của Liên Xô

Tàu ngầm tên lửa đạn đạo K-129 gặp nạn với 98 thủy thủ đoàn (Ảnh: Wikipedia).

Cùng năm 1968, K-129, một tàu ngầm tên lửa đạn đạo chạy bằng năng lượng hạt nhân của Liên Xô, cũng gặp sự cố dưới nước và biến mất với 98 thủy thủ đoàn.

Sau 2 tháng không phát hiện được manh mối gì về con tàu xấu số, Liên Xô bỏ cuộc. Tuy nhiên Hải quân Mỹ thì không. Họ tiếp tục tìm kiếm, và rốt cuộc đã phát hiện tàu K-129 vào ngày 20/8.

Xác tàu nằm ở vị trí cách Hawaii 2.414km về phía Tây Bắc, ở độ sâu 5.029 mét so với mặt nước biển. Tàu khoan biển sâu Hughes Glomar Explorer sau đó đã trục vớt được một phần của con tàu, cùng thi thể của 6 thủy thủ đoàn Liên Xô.

Cho tới giờ nguyên nhân vụ nổ tàu ngầm Kursk vẫn là bí ẩn

Tàu ngầm Kursk của Nga

Ngày 12.8.2000, hai vụ nổ xảy ra trên tàu ngầm động cơ hạt nhân K-141 Kursk của Nga, trong lúc con tàu đang tham gia cuộc tập trận phóng ngư lôi tại biển Barents tây bắc Nga. Hầu hết trong tổng số 118 người trên tàu thiệt mạng ngay sau 2 vụ nổ trừ 23 người ở các khoang 6-9 ở phần đuôi tàu.

Những lá thư do những người sống sót để lại cho thấy họ đã sống được thêm vài giờ, thậm chí là vài ngày cho đến khi hết ô xy. Ban đầu, Nga được cho là từ chối đề nghị hỗ trợ của Anh và Na Uy và chỉ chấp nhận vào vài ngày sau đó. Khi thợ lặn mở cửa sập thoát hiểm ở khoang 9, không còn ai sống sót bên trong.

Tàu ngầm Minerve của Hải quân Pháp

Tàu ngầm Minerve gặp sự cố do thời tiết xấu (Ảnh: BBC).

Ngày 27/1/1968, tàu ngầm Minerve của Hải quân Pháp gặp phải thời tiết xấu trên đường trở về Toulon sau chiến dịch huấn luyện ở Địa Trung Hải. Con tàu biến mất khi cách bờ biển phía Nam nước Pháp 48km, cùng 52 thủy thủ đoàn trên tàu.

Một cuộc tìm kiếm được tiến hành với 20 tàu thuyền và máy bay, trong đó có cả tàu sân bay Clemenceau, nhưng đã không phát hiện được tàu ngầm Minerve.

Mãi đến năm 2019, tàu Minerve mới được phát hiện bởi công ty vẽ bản đồ đáy biển Ocean Infinity của Mỹ. Dẫu vậy, nguyên nhân khiến con tàu gặp nạn sẽ không bao giờ được giải đáp, do chính phủ Pháp quyết định không trục vớt con tàu.

Tàu ARA San Juan của Hải quân Argentina

Tàu ngầm TR-1700 ARA San Juan (S-42) (Ảnh: Wikipedia).

Tàu ngầm chạy điện-diesel ARA San Juan (S-42) của Hải quân Argentina đã bất ngờ biến mất khi đang tuần tra dưới biển vào tháng 11/2017.

Sau nhiều tuần nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn, tàu được tuyên bố là mất tích cùng với toàn bộ 44 thủy thủ đoàn. Mảnh vỡ của tàu sau đó được phát hiện vào năm 2018, ở độ sâu khoảng 900 mét dưới nước.

Một số giả thuyết cho rằng tàu San Juan đã gặp sự cố về điện, gây gián đoạn toàn bộ hệ thống liên lạc và điều khiển. Tuy nhiên, câu trả lời thực tế vẫn chưa được làm rõ.

Sự cố tàu ngầm điện-diesel Trường Thành 361  khiến nhiều quan chức Trung Quốcbị cách chức

Tàu ngầm điện-diesel Trường Thành 361 của hải quân Trung Quốc 

Ngày 16.4.2003, tàu ngầm điện-diesel Trường Thành 361 của hải quân Trung Quốc gặp sự cố trong lúc tham gia cuộc tập trận tại Hoàng Hải. Theo truyền thông, toàn bộ 70 người trên tàu bị chết ngạt do một sự cố khiến động cơ hút hết không khí. Chính quyền Trung Quốc thông báo rằng tàu gặp các vấn đề về cơ khí.

Theo chuyên san The National Interest, con tàu bị trôi dạt nhiều ngày và được ngư dân Trung Quốc tìm thấy nhờ kính tiềm vọng nổi lên. Con tàu sau đó được kéo về cảng Du Lâm trên đảo Hải Nam. Sau vụ việc, hàng loạt quan chức cấp cao của hải quân Trung Quốc bị xử lý sau vụ việc, trong đó tư lệnh hải quân Thạch Vân Sinh bị cách chức.

Nhã Uyên (tổng hợp)